Thăm bảo tàng Bác Hồ của người cựu chiến binh
Được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường, các đồng chí trong Chi đoàn trường THCS Trần Nhật Duật, đã cùng các em học sinh ưu tú của trường, có một chuyến tham quan học tập đầy ý nghĩa và lý thú; Đó là chuyến tham quan nhà trưng bày của bác Bùi Xuân Phước ở thôn Phước Tân xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang.
Không khó lắm để tìm gặp bác Phước, bởi bảo tàng được xây dựng ngay trung tâm xã Phước Đồng. Bác Phước tuy đã ngoài 80 tuổi, nhưng bước chân vẫn còn vững chắc lắm. Bác vừa là chủ nhân của bảo tàng, vừa là người hướng dẫn viên, bác nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi thăm khu vực trưng bày. Bác Phước sinh ra ở Đà Nẵng, nhưng lại lớn lên ở Phú Yên. Năm 1950, bác đã bắt đầu hoạt động quân đội ở thị xã Tuy Hòa. Đến năm 1953, bác nhập ngũ thuộc Sư đoàn 305, hoạt động chính tại mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau ngày đất nước thống nhất, bác Phước làm công tác ở viện bảo tàng; đến năm 1989 thì bác về nghỉ hưu và có ý định làm một bảo tàng thu nhỏ. Năm 1989, bác bắt đầu chọn mua đất, vẽ sơ đồ khu trưng bày. Năm 2000, công trình hoàn thiện và được đưa vào sử dụng. Để có tiền xây dựng bác đã phải bán nhà, bán đất để chi trả cho công việc. Ở đây, hiện có hơn 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật… được trưng bày do chính bác Phước sưu tầm, phục chế từ hiện vật gốc và được các cơ quan, tổ chức trong cả nước trao tặng. Trong số cả trăm bức ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáng chú ý là bức ảnh khổ lớn về "thời khắc Bác lâm chung", được trưng bày ở gian chính. Bức ảnh này nguyên khổ 18x24, do một người bạn ở Phú Yên tặng bác Phước vào năm 1995; Người này có người thân là cán bộ gần gũi bên Bác Hồ. Đưa khách vào phòng trưng bày, bác Phước thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các hiện vật; Đó là các sự kiện mang tính bước ngoặt đối với cách mạng Việt Nam như: Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng năm 1911; Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Pháp 1920; sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 1930; Cách mạng tháng Tám thành công và Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945…Ngoài các hiện vật, tranh ảnh về Bác Hồ được treo một cách trịnh trọng trong gian chính, bác Phước còn xây một bức tượng về các đồng đội năm xưa và một bức tượng về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. bức tượng Bà mẹ Việt Nam đặt phía trước bảo tàng để quanh năm hương khói, tưởng nhớ, nhất là vào các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước.
Những câu chuyện về Bác Hồ, các giai thoại, những câu chuyện lịch sử trở nên hấp dẫn và sống động qua lời kể của bác Phước. Chúng tôi đang nghe một nhân chứng lịch sử sống kể về cuộc đời Cách mạng của Bác! Đoàn tham quan ra về trong niềm kính yêu vô hạn với lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Tình yêu của bác Phước đối với Bác Hồ giống như nguồn năng lượng truyền vào thầy trò chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy mình thật là may mắn khi được tham gia chuyến tham quan. Tạm biệt bác Phước tôi thầm cầu chúc bác luôn được khỏe mạnh, để tiếp tục công việc vô cùng ý nghĩa này.
Trò chuyện giữa bác Bùi Xuân Phước và đoàn tham quan.
Bác Phước chụp hình lưu niệm với đoàn tham quan
Trần Ngọc Vũ An