Mùa hè đến rồi và nguy cơ học sinh bị đuối nước ngày càng cao trên cả nước. Thấy được những nguy cơ đuối nước ở lứa tuổi học sinh cao nên trường trung học cơ sở Trần Nhật Duật được sự giúp đỡ của ông Ngô Văn Hải- Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh của trường đã mời bác sĩ Lê Quốc Thịnh- là giám đốc của Hội Chữ thập đỏ thành phố Nha Trang về tập huấn kỹ năng phòng chống bị đuối nước cho học sinh toàn trường.
Mở đầu bằng những câu hỏi, hoạt động tương tác rất thú vị, Bác sĩ Thịnh nhanh chóng được các em học sinh cảm mến. bác sĩ đã hướng dẫn một cách tận tình các kỹ năng cần thiết khi gặp người bị đuối nước:
- Nếu thấy một người đang bị đuối nước trên mặt nước hãy nhanh chóng ném cho họ bất cứ thứ gì có thể giúp họ bám vào và nổi lên được. Hoặc quăng dây, đưa gậy dài cho họ nắm. Nếu chỉ có một mình và 2 tay không.
Lưu ý : nếu không phải là một nhân viên cấp cứu nhiều kinh nghiệm thì bơi ra cứu nạn nhân là điều rất mạo hiểm dù có bơi giỏi vì trong cơn hoảng loạn cực độ, nạn nhân thường có khuynh hướng vùng vẫy, níu kéo rất chặt gây khó khăn cho người cấp cứu và có nguy cơ làm chết đuối luôn cả hai. Nên ném cho nạn nhân một phao nổi trước cho nạn nhân bám vào, sau đó mới cho nạn nhân bám vào ngưới cứu hộ.
- Sau khi đem nạn nhân lên bờ, la lớn “cứu, cứu,.. người đuối nước.” và nhanh chóng gọi điện thoại số cấp cứu 115 và tiến hành làm hô hấp nhân tạo bằng phương pháp hà hơi thổi ngạt - đây là phương pháp được thế giới đánh giá là hữu hiệu nhất
- Trường hợp nạn nhân đã ngừng thở, ngừng tim thì nhanh chóng dốc ngược đầu nạn nhân cho nước trong đường thở thoát ra hết; sau đó đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, ngửa cổ nạn nhân ra sau, móc hết đàm nhớt, dị vật trong miệng nạn nhân ra- kể cả răng giả, một tay đặt lên trán nạn nhân, bịt mũi nạn nhân bằng bằng ngón trỏ và ngón cái, sau đó hít sâu, áp miệng người cấp cứu vào miệng nạn nhân thổi 2 hơi đầy; để lồng ngực tự xẹp và thổi tiếp lần thứ hai. Thực hiện cho đến khi nạn nhân thở được hoặc có xe cấp cứu đến. Lưu ý, nếu thực hiện sơ cứu sau một thời gian khá lâu mà nạn nhân chưa tỉnh thì vẫn cứ tiếp tục thực hiện khi nào nạn nhân tỉnh hoặc có ý kiến của bác sĩ.
Sau khi nạn nhân hồi tỉnh thì chuyển nạn nhân nằm ở tư thế nghiêng một bên vì đây là tư thế tốt nhất cho nạn nhân sau sơ cứu. Tránh hiện tượng chạy ngược vật cản đường thở.
Sau khi bác sĩ thực hiện động tác trên mô hình và trên người thật các bạn học sinh rất hào hứng thực hiện các động tác. Bước đầu thực hiện tuy còn lúng túng nhưng các em học sinh đã hoàn thanh tốt nhờ được bác sĩ chỉ bảo tận tình. Cuối buổi tập huấn bác sĩ còn tặng cho các bạn học sinh món quà rất có ý nghĩa là quyển sách nhỏ các kỹ năng sơ cứu cơ bản.
Trần Ngọc Vũ An